Ngày đăng: 10:18 22/02/2023 - Lượt xem: 4479
Di sản văn hóa phi vật thể (tiếng Anh: Intangible cultural heritage) là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác bao gồm lễ hội, lối sống, bí quyết truyền nghề, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống. Công ước 2003 của UNESCO bác bỏ việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới. Năm 2023, Tây Ninh tự hào với 8 di sản phi vật thể quốc gia
Đình Gia Lộc toạ lạc tại khu phố Lộc Thành, Thị xã Trảng Bàng, được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, là công trình mang dấu ấn lịch sử, thờ Ông Cả Đặng Văn Trước, người có công khai hoang, lập ấp, dựng làng, lập chợ, khai hoá vùng đất Trảng Bàng.
Năm 1994, Đình Gia Lộc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Di tích lịch sử-văn hóa đền thờ ông cả Đặng Văn Trước
Lễ Kỳ Yên đình Gia Lộc được tổ chức hàng năm vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch, là ngày hội để nhân dân quanh vùng có dịp giao lưu, sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân đất Trảng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống bình an, ấm no và thịnh vượng.
Lễ cúng đình gồm các nghi thức: Thỉnh sắc thần, chánh lễ, cúng tiền vãng, túc yết, xây chầu- đại bội và ẩm phước. Lễ cúng đình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự gắn kết cộng đồng, không chỉ trên địa bàn xã Gia Lộc hay của thị xã Trảng Bàng, mà còn có sức lan toả đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Lễ đáo lệ Kỳ yên Đình Gia Lộc Trảng Bàng
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, năm 2012, Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Cũng trong dịp lễ Kỳ yên, công tác xã hội luôn được Ban Khánh Tiết đình quan tâm, đã vận động được nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ tiền và vật chất, qua đó đã có hàng trăm suất quà được trao cho người nghèo của xã Gia Lộc và Thị xã Trảng Bàng.
Trảng Bàng là địa danh đi vào lòng du khách với những đặc sản địa phương và làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, bánh tráng phơi sương – một trong những đặc sản kỷ lục Châu Á được coi như nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Tây Ninh, khó lòng trộn lẫn.
Nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng đã có từ lâu đời, truyền từ thời cha ông ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định đi khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh từ thế kỷ 18. Ban đầu là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, sau này người ta đã sáng tạo ra bánh tráng phơi sương.
Đất Trảng Bàng được trời cho ngày nhiều nắng đêm lắm sương. Đêm về sáng, sương giăng mờ đất Trảng Bàng. Để làm bánh tráng phơi sương, người dân nơi đây cũng phải một nắng hai sương thức khuya dậy sớm.
Tương truyền rằng, có gia đình nọ đưa nhau từ miền Trung vào miệt Trảng Bàng thuộc trấn Gia Định (nay là Trảng Bàng, Tây Ninh) sinh sống. Họ chọn nghề bánh tráng để mưu sinh. Lúc ấy, bánh tráng vẫn còn dùng bột gạo chứ chưa dùng tinh bột khoai mì như hiện nay nên thường dày và cứng, nướng ăn chứ không mềm để cuộn với thịt luộc, rau sống. Một buổi chiều, cô con dâu do quá mệt nên khi gom bánh khô vào nhà đã bỏ quên hai vỉ bánh ngoài góc rào. Sáng ra, mẹ chồng thấy vỉ bánh ẩm ướt, liền định rầy la. Anh chồng thương vợ mới về nhà còn chưa quen nên ra gỡ những chiếc bánh mềm mại sương đêm ấy mang vào nhà và hái những lá rau quanh vườn rồi mời cả nhà cùng ăn. Không ngờ mọi người ăn đều tấm tắc khen ngon, bà mẹ không la rầy con dâu nữa và từ đó món “bánh tráng phơi sương” ra đời.
Không biết rằng giai thoại này có thật hay chỉ là tương truyền vậy thôi nhưn món bánh tráng Trảng Bàng được truyền từ đời này qua đời khác đã hình thành một làng nghề truyền thống độc đáo và sản phẩm nức tiếng một vùng Tây Ninh
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Tây Ninh được Bộ VHTT&DL trao chứng nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Từ đó đến nay, tỉnh Tây Ninh có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh, trong đó có các ‘điểm nhấn’ là 2 năm 1 lần tổ chức ‘Tuần lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương’.
Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là một lễ hội truyền thống đặc sắc diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch hàng năm tại núi Bà Đen ,Tây Ninh. Lễ hội diễn ra suốt hơn 200 năm qua cho đến ngày nay, thể hiện bản sắc cộng đồng – địa phương; phản ánh sự đa dạng về văn hóa – lịch sử và sự sáng tạo của người Tây Ninh.
Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu – Núi Bà Đen đã được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 4.9.2018. Đây được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.
Múa trống Chhay-dăm là loại hình nghệ thuật sân khấu rất đặc biệt, được Phối sư Thái Chia Thanh (người Campuchia) truyền dạy cho đồng bào Khmer tại Việt Nam vào năm 1972 để biểu diễn trong lễ hội Cao Đài tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Về sau, múa trống Chhay-dăm cũng được biểu diễn trong tất cả các dịp lễ, tết, các đám phước, lễ dâng y kathina (lễ cúng giải hạn), lễ kiết giới xây-ma (lễ khánh thành nhà mới cho Phật) và cả trên sân khấu tuồng Rôbăm, Dù kê… của người Khmer. Đến nay, loại hình nghệ thuật này chỉ còn được một vài nhóm dân tộc Khmer Nam Bộ gìn giữ, trong đó có nhóm dân tộc Khmer ở xã Trường Hòa.
Múa trống Chhay-dăm không sử dụng lời ca, tiếng hát như tuồng, chèo… mà chỉ có tiếng hô của diễn viên múa kết hợp với tiếng nhạc trống (có đệm thêm tiếng cồng, chũm chọe, gõ sênh) nhằm tạo bầu không khí rộn ràng, vui nhộn trong suốt chương trình. Múa trống Chhay-dăm còn có động tác đánh trống, múa trống và múa tay (khi múa đơn, khi múa đôi, múa ba, múa tư hay múa tập thể). Khi biểu diễn, các diễn viên múa đeo trống trước bụng rồi xếp thành hàng ngang, hàng dọc hay hình vòng cung và bắt đầu dùng bàn tay vỗ nhịp nhàng vào mặt trống, phức tạp hơn là dùng cùi chỏ hay gót chân đánh trống hoặc gõ trống vào nhau, vừa gõ trống vừa nhún nhảy theo kịch bản dựng sẵn. Phụ họa còn có một số diễn viên biểu diễn đánh cồng, đánh chũm chọe, múa khỉ…
Trống sử dụng trong múa Chhay-dăm được làm bằng thân cau già, bên trong khoét rỗng ruột. Trống cao hơn 1m, phần đầu bịt da trâu, bò hay trăn khô, phình to với đường kính khoảng 30cm, sau đó nhỏ dần và đến phần đuôi lại phình ra với đường kính khoảng 15cm. Phần đuôi này không được bịt da. Trên thành trống trang trí cách điệu hoa văn hình cánh sen nở… Quấn quanh bên ngoài trống là những mảnh vải xanh, đỏ, vàng…
Đờn ca tài tử là một nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ và có thể xem Tây Ninh là một điển hình cho phong trào đờn ca tài tử đang phát triển hiện nay, với các quán cà phê ca cổ đang nở rộ.
Chỉ tính sơ trên địa bàn thành phố Tây Ninh đã có gần 20 quán cà phê bình dân có phục vụ ca cổ, chưa kể ở các huyện, xã khác. Khách đến quán thưởng thức đờn ca tài tử đa phần là những người thuộc giới lao động nghèo. Ca hay, ca dở không quan trọng, tinh thần văn nghệ là chính. Do cạnh tranh nên các quán đều rất chú ý đến nội dung chương trình, có lịch diễn hẳn hoi theo từng chủ đề. Tối ba, năm, bảy và chủ nhật thì sinh hoạt đờn ca. Những đêm hai, tư, sáu thì mời soạn giả nổi tiếng đến dạy bài bản, nhịp phách cho bất cứ ai muốn học ca cổ, không thu một khoản học phí nào. Quán cà phê nằm trong khuôn viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh là một trong những điểm nổi bật được nhiều người tìm đến.
Hiện nay, hầu như các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có câu lạc bộ (CLB), đội đờn ca tài tử (ĐCTT). Không những là nơi giao lưu, gắn kết những người có cùng niềm đam mê nghệ thuật, các CLB, đội ĐCTT ở các địa phương còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.
Nổi bật phải kể đến CLB đờn ca tài tử – cải lương thuộc Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu. Hơn 30 năm qua, CLB đã trở thành nơi giữ lửa, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật ĐCTT. Được thành lập từ năm 1984, CLB ban đầu chỉ có 15 hội viên, nay đã lên 60 người, quy tụ được những người say mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật ĐCTT.
Ở Tây Ninh, tập tục thờ cúng Quan lớn Trà Vong từ lâu nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt. Cho đến nay, ngày giỗ của Quan lớn Trà Vong hằng năm đã trở thành một lễ hội dân gian thực sự với sự tham dự của đông đảo nhân dân trong, ngoài địa phương, kéo dài từ tháng 2 cho đến tháng 4 âm lịch.
Tại đền thờ Quan lớn Trà Vong ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi (Châu Thành), trong 2 ngày 15 và 16.2 âm lịch, lễ giỗ đã được tiến hành với các nội dung cúng tế tưởng nhớ vị công thần họ Huỳnh ngày trước và các nghi thức cầu an.
Tại đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh) lễ giỗ đã tổ chức trong 2 ngày 20 và 21 tháng 2 âl. Theo truyền khẩu của dân gian đây là nơi ngày xưa Quan đại thần Huỳnh Công Giản tổ chức tập luyện binh mã. Ngôi đền đã được nhân dân xây dựng khá lâu. Đến năm 1995, nhân dịp tỉnh lộ 4 được mở rộng, người dân đã tiến hành xây dựng ngôi đền mới thật khang trang, tường gạch, cột bê tông, mái ngói với kiến trúc kiên cố theo hình chữ tam. Đây là ngôi đền thờ Quan lớn Trà Vong lớn nhất trong tỉnh so với các đền khác. Số lượng khách đến viếng cũng rất đông. Ngôi đền này thờ cả 3 vị quan đại thần Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Trong dịp này, đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng đã tổ chức trọng thể lễ đón sắc phong từ lăng mộ ông Huỳnh Công Giản (ấp 3, xã Trà Vong, Tân Biên). Cũng cần nói rõ thêm: vào giữa năm 2009, Ban Hội các dinh, đền thờ Quan lớn Trà Vong toàn tỉnh đã xin phục chế sắc phong của đại thần Huỳnh Công Giản và đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu, phục chế bản sắc phong dựa theo các tài liệu lịch sử.
Tại xã Cẩm Giang (Gò Dầu) có đền thờ của Quan đại thần Huỳnh Công Thắng. Lễ giỗ được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 6 tháng 4 âl. Ngôi đền kiến trúc 3 lớp hình chữ Nhị. Trong đền có tượng ông Huỳnh Công Thắng. Gần ngôi đền còn có ngôi mộ của vị đại thần này. Hiện nay, đền thờ này đã được tu bổ khá khang trang, nhiều công trình phục vụ sinh hoạt cũng đã hình thành.
Tại rạch Vàm Bảo – Bến Thứ (xã Hảo Đước, Châu Thành) có đền thờ của ông Huỳnh Công Nghệ. Nơi yên nghỉ cuối cùng của ông hiện nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết. Tương truyền, khi ông qua đời nhân dân đã chôn cất ông giữa một khu rừng rậm nào đó, lâu ngày đã thất lạc mồ mả,
Nói chung, nghi thức lễ Quan lớn Trà Vong gần giống như lễ kỳ yên ở các đình Nam bộ và trong khu vực Tây Ninh. Lễ vật dâng cúng chủ yếu là thức ăn mặn cùng hương, hoa, đèn nến… Có chủ tế cùng các lễ sinh cũng như các ban nhạc, đờn ca tài tử khi hành lễ. Riêng tại lễ giỗ của ông Huỳnh Công Giản, nhiều nơi còn tổ chức biểu diễn hát bội cho dân làng xem.
Theo đó, tri thức dân gian nghệ thuật chế biến món ăn chay huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, huyện Tân Châu, huyện Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Chủ tịch ỦBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Mắm chay các loại được chế biến từ hoa quả.
Nghệ thuật ẩm thực chay là nét văn hoá độc đáo của Tây Ninh, gắn liền với đất và người Tây Ninh. Năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê, khảo sát và lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa “Nghệ thuật ẩm thực chay Tây Ninh” vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nem chay, một trong các nghệ thuật chế biến món ăn chay tại Tây Ninh.
Ngày 12.1.2022, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công bố Nghệ thuật chế biến món chay ở Tây Ninh được đưa vào danh mục di sản văn hoa phi vật thể
Ngày 14.2.2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 230/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nghề làm muối ớt Tây Ninh là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc, được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Theo quyết định, nghề thủ công truyền thống Nghề làm muối ớt Tây Ninh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Trước đó, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL đưa nghề làm muối ớt ở tỉnh Tây Ninh vào Danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia- loại hình Nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Tây Ninh, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Tây Ninh tự nguyện cam kết bảo vệ.